Hỏi Đáp Về Viêm Da Ở Trẻ Em

Tác giả
Cô Thuần Mẹ Việt
24 phút đọc

Da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm nên dễ gặp các vấn đề viêm da. Vì thế, mình đã viết chi tiết 10 bài về cách nhận biết và chăm sóc con bị viêm da. Nếu mẹ đang cần tìm nhanh câu trả lời cho vấn đề của con mẹ hãy đọc bài hỏi đáp dưới đây. Bài viết này mình tổng hợp cách xử lý các tình huống thực tế mẹ hay gặp khi chăm con. Mời các mẹ cùng theo dõi.

Chàm Sữa

Hỏi: Con em 1 tháng tuổi, mấy hôm nay trời lạnh mặt con tự nhiên nổi sần, hạt đỏ li ti. Có phải là con bị chàm sữa không? Em muốn bôi kem cho con nhanh hết mà không biết nên bôi kem gì?

Đáp: Bé bị chàm sữa nhẹ, mẹ chú ý vệ sinh da sạch cho con hàng ngày, nhất là sau khi bú sữa. Đồng thời, mẹ bôi kem dưỡng ẩm cho con sẽ nhanh hết. Mẹ có thể dùng cetaphil, atopiclair, dexeryl, eucerin, sudocrem, vaseline,… Chỉ cần thoa một lớp mỏng và tán đều trên da trẻ. Con sẽ nhanh hết sau 2-3 ngày. 

Hỏi: Bé mình 1,5 tháng bị chàm sữa. Mình đã bôi thuốc mà vẫn không hết. Giờ vết chàm lan ra phủ kín hết cả má. Nhìn má con đỏ ửng, ngứa ngáy, quấy khóc mình stress quá. Có cách nào giúp da con bình thường trở lại không?

Đáp: Tình trạng của bé là bị chàm sữa nặng. Mẹ thử bôi eumovate (chứa corticoid liều thấp). Sau vài ngày thấy bớt thì giảm liều (giảm lượng kem bôi) rồi chuyển sang dùng kem dưỡng ẩm. Mẹ chú ý lau sạch 2 bên má của con sau khi cho con bú. Sữa tắm em bé dù dịu nhẹ cũng có thể gây kích ứng, mẹ tạm ngưng không sử dụng. Nếu tình trạng không cải thiện, mẹ đưa con đi khám da liễu để tìm nguyên nhân bệnh chính xác.

Bé Bị Hăm Tã

Hỏi: Cho em hỏi bé nhà em bị hăm tã thì làm sao hết được ạ? Em rửa nước lá chè đặc, rồi dùng thuốc bôi mà nó vẫn không hết. Em cũng thay đổi các loại bỉm luôn rồi mà sao bé cứ bị hăm suốt thôi. Nhìn con mà em xót hết cả ruột gan.

Đáp: Hăm tã nhẹ: sau mỗi lần con đi vệ sinh mẹ rửa sạch bằng nước ấm. Và quan trọng là sau đó phải thấm thật khô bằng khăn xô. Tiếp theo mẹ bôi một lớp kem mỏng Bepanthen vào vùng hăm tã. Cả ngày nên để con thoáng, mặc quần áo rộng rãi. Chỉ mặc tã buổi tối khi đi ngủ và sáng ngủ dậy thì cởi và vệ sinh sạch sẽ ngay.

Hăm tã nặng: mẹ đưa con đi khám. Bác sĩ kê thuốc điều trị dứt điểm sẽ tránh hăm tã ảnh hưởng đến sức khỏe con. 

Hỏi: Hăm kẽ ở trẻ có tự biến mất không. Mình đã bôi phấn rôm cho con, thì có cần bôi kem dưỡng da nữa không?

Đáp: Hăm kẽ, hăm tã có thể tự biến mất nếu mẹ chăm sóc đúng. Mẹ không nên bôi phấn rôm cho con. Thay vào đó hãy bôi kem dưỡng da hoặc Bepanthen.

Mụn Kê, Viêm Da Đầu

BlockNote image

Hỏi: Bé nhà mình 1 tháng, xuất hiện những nốt mụn nhỏ trên mặt, mọi người bảo là mụn hạt kê. Mụn này có tự khỏi không, và bao lâu thì khỏi, trường hợp nào cần đưa con đi khám, và có những cách nào giúp con nhanh khỏi?

Đáp: Mụn hạt kê hầu hết tự khỏi sau vài tháng (chậm nhất là 6 tháng) mà không cần điều trị.

Hỏi: Da đầu con mình có nhiều mảng “cứt trâu”, dùng dầu dừa thì dùng trong bao lâu? Có thể kết hợp dùng dầu gội không. Con kêu ngứa thì cho con cố chịu hay đưa đi khám luôn? Đến thời điểm nào thì phải dùng thuốc trị ngứa.

Đáp: Mẹ bôi dầu dừa cho ngấm 20-30 phút rồi dùng lược chải nhẹ nhàng. Sau đó gội sạch lại lần nữa với dầu gội. Thường thì sau khi gội con sẽ hết ngứa. Làm như vậy cho đến lúc con hết “cứt trâu”. Mẹ đưa con đi khám khi con ngứa nhiều, gãi đỏ da hay quấy khóc, không ngủ được. Bác sĩ sẽ quyết định xem trường hợp của con có cần dùng thuốc trị ngứa không.

Rôm Sảy, Phát Ban, Mề Đay 

Hỏi: Bé nhà em năm nay được hơn 2 tuổi. 1 tuần trở lại đây cả người bé ngứa nổi những vết mẩn đỏ to hình tròn tầm 2-3cm, xung quanh viền tròn là màu đỏ sẫm trên da như: cổ, mặt, tay, chân, háng, trán,… Bé không bị sốt. Em đưa bé khám da liễu nói là bé bị dị ứng nổi ban nên cho 5 ngày thuốc về uống. Sau 5 ngày bé vẫn bị lại. Bác sĩ ở bệnh viện lại cho 3 ngày thuốc về uống. Sau 3 ngày bệnh không thuyên giảm mà vết mẩn càng to ra, sưng phù nhẹ trên da. Xin cho em hỏi là bé nhà em đang bị gì ạ?

Đáp: Triệu chứng của bé là đang bị dị ứng, nổi mề đay. Bác sĩ cho thuốc uống hết nhưng con tiếp tục tiếp xúc yếu tố gây dị ứng nên bị lại. Vì vậy, mẹ cần rà soát lại để xem nguyên nhân con bị dị ứng là gì. Con có ăn hải sản/thức ăn lạ? Phấn hoa? Quần áo len, dạ? Hóa chất? Thời tiết?…  Không cho con tiếp xúc những nguồn đó con sẽ hết nổi mề đay.

Hỏi: Con mình bị nổi mẩn đỏ mấy ngày nay. Cháu bị ngứa ngáy khó chịu khắp người nhìn cứ y như là bị rôm sảy. Nhưng mọi người nói là cháu bị ban chứ ko phải rôm sảy. Bây giờ phải làm thế nào để con hết đây?

Đáp: Sảy thường có những nốt nhỏ li ti. Ban thì thường thành mảng, nổi trên da. 

Trước tiên, mẹ tắm cho con bằng nước mát rồi lau khô người. Nếu là rôm sảy thì giữ cho vùng da con luôn luôn thoáng mát. Sau 3-4 ngày rôm tự lặn.

Nếu là phát ban, mẹ bôi kem dưỡng ẩm da. Sau đó, tìm nguyên nhân gây bệnh và cách ly con khỏi các nguồn này. Ban sau 1-2 ngày cũng sẽ tự lặn.

Hỏi: Rôm sảy có khả năng tái phát không, bé nhà mình bị rôm 5-6 ngày nay chưa khỏi. Mình cũng chỉ bôi phấn rôm, và tắm rửa sạch sẽ cho bé. Có các biện pháp nào nữa không ạ?

Đáp: Rôm sảy có thể tái phát, nhất là mùa hè hoặc khi bé mặc quần áo không thoát mồ hôi. Mẹ nên dùng kem dưỡng ẩm thay phấn rôm. Ngoài ra, có thể nấu nước lá khế, trầu không,… tắm cho con 2 lần/tuần.

BlockNote image

Viêm Da Dị Ứng Thời Tiết

Hỏi: Con tôi 8 tháng tuổi thường xuyên bị mề đay dị ứng, khi thay đổi thời tiết cháu bị hắt hơi sổ mũi. Bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu. Tiêm phòng đầy đủ, cân nặng 8kg. Như vậy tôi cần phòng bệnh và chữa bệnh ở đâu? Và có cách nào chữa khỏi không?

Đáp: Cơ địa của con dễ bị dị ứng thời tiết. Bệnh này không chữa khỏi hoàn toàn mà chủ yếu phòng ngừa, hạn chế phát bệnh là chính. Thời tiết thay đổi, mẹ chú ý giữ ấm cho con (mặc quần áo ấm, choàng cổ, tắm nước gừng,…). Mẹ tăng cường sức đề kháng cho con qua ăn uống và hạn chế cho con ra ngoài khi trời lạnh.

Hỏi: Làm thế nào để phân biệt bệnh mề đay và viêm da dị ứng thời tiết. Bé nhà mình có biểu hiện khi khí gió lạnh đột ngột là nổi các mảng đỏ trên da. Nhưng thỉnh thoảng không thay đổi thời tiết vẫn bị nổi những mảng dày. Bé ngứa và đòi gãi, có nên bôi thuốc hay giảm ngứa ngay cho bé không? Và các vết đó có lặn nhanh?

Đáp: Trường hợp của bé có thể là cả bị dị ứng thời tiết và dị ứng tác nhân khác. Mẹ kiểm tra lại các yếu tố có thể gây dị ứng cho con để phòng tránh. Khi con ngứa có thể đắp khăn nhúng nước sạch hay bôi thuốc giảm ngứa. Điều này giúp con không gãi gây trầy xước, nhiễm khuẩn thêm. Nổi mề đay chỉ cần cách ly khỏi tác nhân gây dị ứng sẽ nhanh lặn.

Mụn Nhọt (Viêm Da Mủ)

Hỏi: Bé nhà mình có vài mụn, nhọt trên người, bé vẫn chơi bình thường. Đây có phải dấu hiệu bị viêm da mủ không. Nếu để tự nhiên khi mụn chín, nặn thì có khỏi được không?

Đáp: Bé vẫn chơi được bình thường là tín hiệu tốt, mẹ không cần can thiệp. Mẹ nên để mụn chín tự nhiên, mẹ không nặn vì có thể gây nhiễm trùng, lây lan nhiều nơi. Nếu nhọt sưng đau làm trẻ quấy khóc, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để xử lý.

BlockNote image

Viêm Da Cơ Địa

Hỏi: Bé nhà mình hay bị nổi mẩn đỏ trên người, thường sau mấy hôm thì khỏi. Đó có phải là dấu hiệu viêm da cơ địa không, hay chỉ là viêm da dị ứng. Làm sao phát hiện được?

Đáp: Viêm da cơ địa thường có yếu tố di truyền. Mẹ xem trong gia đình có ai bị viêm da cơ địa không? Nếu không thì khả năng cao là bé chỉ bị viêm da dị ứng. 

Hỏi: Con em được 4 tháng, nặng 10kg. Ti em bé cứ bị chợt đỏ, rỉ nước và có những mảnh cứng bong ra. Có ngứa. Nhưng bé vẫn ăn, ngủ bình thường ạ. E đã cho con đi khám da liễu và được kết luận viêm da cơ địa. Đã bôi canestlani 15ml và hydrocortison nhưng không đỡ ạ. Bây giờ em nên xử lý như thế nào ạ?

Đáp: Mẹ nên đưa con đi tái khám lại và điều trị theo kê toa của bác sĩ nhé!

Hỏi: Bé nhà mình hay có biểu hiện nổi mẩn đỏ, khô, ngứa, vị trí nổi mẩn cũng không có định. Làm sao để biết bé bị viêm da loại nào mà phòng tránh tác nhân gây bệnh được?

Đáp: Mẹ nên đọc series bài viết về các vấn đề viêm da ở cuối bài. Mẹ sẽ phân biệt được bé bị viêm da loại nào, nguyên nhân cũng như cách phòng tránh bệnh.

Chăm Sóc Khi Trẻ Viêm Da

Hỏi: Khi đã bôi kem dưỡng ẩm thì có thể bôi thêm kem chống ngứa, chống viêm không? Những vết phồng, rộp, có mủ thì có thể bôi các loại kem này không. Hay chỉ bôi các nốt nổi mẩn, mề đay?

Đáp: Các loại kem chống ngứa và chống viêm có thể bôi cùng kem dưỡng ẩm. Tuy nhiên, mẹ nên tham khảo bác sĩ để được hướng dẫn liều lượng bôi để tránh tác dụng phụ. Các vết phồng, rộp, có mủ có thể bôi các loại kem này hay không còn tùy trường hợp. Tốt nhất mẹ nên đưa con đến khám bác sĩ. Các nốt nổi mẩn, mề đay có thể bôi (theo chỉ định).

Hỏi: Con mình hay bị viêm da, nổi mẩn đỏ, mà đang là mùa hè. Cho mình hỏi dùng kem dưỡng ẩm được không, nếu con hết nổi mẩn thì có phải dùng nữa không, hay ngừng bôi kem luôn?

Đáp: Mẹ nên dùng kem dưỡng ẩm để tránh cho con bị khô da, dẫn đến viêm, nổi mẩn đỏ. Sau khi con hết nổi mẩn có thể tiếp tục sử dụng kem dưỡng ẩm để dưỡng da cho bé.

Hỏi: Các loại kem dưỡng ẩm có thể sử dụng cho trẻ khi bị viêm da không? Có thể dùng sữa tắm cho con không?

Đáp: Mẹ nên sử dụng kem dưỡng ẩm khi con bị viêm da. Hạn chế sử dụng sữa tắm vì một số sữa tắm có thể là nguồn kích ứng gây viêm da.

Lời Kết

Hy vọng phần giải đáp trên giúp các mẹ tự tin chăm sóc khi con bị viêm da. Kinh nghiệm quý báu của mình là mẹ can thiệp xử lý viêm da càng sớm càng hiệu quả. Trong đó, hai bước cực kỳ đơn giản nhưng luôn hữu hiệu nhất đó là giữ cho da con sạch sẽ và dưỡng ẩm đầy đủ. Mẹ thực hiện tốt hai yếu tố này là đã giúp con phòng ngừa hơn 70% các bệnh viêm da đấy.

Mình cũng có chia sẻ kiến thức về các bệnh viêm da phổ biến ở trẻ trong series bài viết dưới đây. Các mẹ tham khảo để hiểu rõ và có kinh nghiệm chăm sóc làn da mỏng manh của con nhé!