Mỗi khi thời tiết giao mùa, mẹ lại nơm nớp lo sợ con bị các bệnh viêm đường hô hấp. Nhất là các bệnh về đường hô hấp dưới như viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi. Bài hỏi đáp lần này sẽ trả lời các câu hỏi của các mẹ có con nhiễm các bệnh trên. Cách chăm sóc và trị dứt điểm các triệu chứng ho, sổ mũi, thở khò khè,… Mời các mẹ cùng theo dõi và đặt câu hỏi ở phần bình luận cuối bài nhé!

Viêm Tiểu Phế Quản

Hỏi: Con em được 2 tháng tuổi. Lúc bé sinh (mổ) thì bé bị khò khè bác sĩ bảo từ từ sẽ hết nhưng đến nay vẫn chưa hết và có dấu hiệu nặng hơn ạ. Ít khi chảy nước mũi nhưng vẫn nghe tiếng khò khè trong mũi khiến bé khó ngủ hay gây khóc. Có cách nào giúp con hết khò khè không?

Đáp: Đặc điểm đường hô hấp của trẻ còn chưa hoàn thiện nên hay bị khò khè. Bác sĩ cũng đã nói là sẽ từ từ hết chứ không thể hết ngay được đó mẹ. Trường hợp bé hay quấy khóc thì mẹ xem xét bé khóc do khó thở hay do các yếu tố khác (nóng, đói, ướt tã,…). Nếu con khò khè gây khó thở, ọc sữa, mẹ nên đưa con đi khám chuyên khoa hô hấp.

Nếu bé chỉ khò khè, nhưng vẫn bú tốt, ngủ ngoan thì mẹ bình tĩnh và yên tâm chăm sóc. Tình trạng sẽ cải thiện dần và hết hẳn khi trẻ được 6 tháng tuổi mẹ nhé. Trong thời gian này, mẹ chú ý giữ ấm cho con. Cho nằm gối mỏng hoặc gấp cái khăn (tầm 3cm) lót kê đầu con để giúp dễ thở. Mẹ chia nhỏ cữ bú để con không bú quá no trong một cữ dẫn đến nôn trớ. 

hoi dap viem duong ho hap duoi o tre

Hỏi: Bé khám bị viêm tiểu phế quản cấp, uống thuốc khoảng 1h sau là ói (tự bé ói, trước không có) và sau khi uống thuốc thấy bé cáu gắt, khó chịu là vì lý do gì?

Đáp: Bé có biểu hiện nôn ói và cáu gắt có khả năng là bị dị ứng với thuốc đang dùng. Mẹ hãy nhanh chóng đưa con tái khám và trình bày để bác sĩ biết tình tình. Bác sĩ sẽ kiểm tra và đổi thuốc nếu cần. Và mẹ nhất định phải ghi nhớ, nếu hay quên thì phải lưu lại thông tin thuốc dị ứng. Sau này khi con chữa bệnh gì, mẹ đều phải khai báo thông tin này trước với bác sĩ. Điều này cực kỳ quan trọng mẹ nhé! Giúp cho bác sĩ kê thuốc đúng ngay từ đầu, tránh dị ứng, sốc thuốc rất nguy hiểm cho con.

Hỏi: Con em 17 tháng tuổi, bị khò khè khó thở và chảy nước mũi hơn một tháng nay. Ban đêm con khó ngủ, thở mạnh nghe như tiếng ngáy. Đi khám thì bác sĩ nói bé bị viêm tiểu phế quản cấp. Bác sĩ kê thuốc về uống thì bớt nhưng 2 tuần sau lại tái phát. Như vậy có phải bé bị viêm tiểu phế quản không hay bị gì khác, giờ em phải làm sao ạ? 

Đáp: Bé của mẹ có thể bị nhiễm một đợt viêm tiểu phế quản mới hoặc các bệnh viêm hô hấp khác. Bệnh này thì rất dễ tái đi tái lại mẹ à. Kinh nghiệm giúp con nhanh khỏi là mẹ chú ý hút mũi/rửa mũi sạch cho con 2 lần/ngày. Giữ ấm cổ cho bé và hạ sốt nếu cần. Thường xuyên cho con uống nhiều nước ấm. Mẹ nhớ theo dõi dấu hiệu liên tục. Nếu thấy con khó thở, thở nhanh, sốt cao, không tỉnh táo thì đưa ngay đến bệnh viện. Nếu không thì mẹ có thể chăm sóc ở nhà và theo dõi liên tục là được.

Mẹ đọc thêm các bài viết chi tiết sau đây. Để hiểu về tính chất tái đi tái lại của các bệnh viêm hô hấp dưới nhé. Từ đó biết cách chăm sóc sức khỏe cho con hợp lý, hạn chế dùng thuốc khi không cần thiết.

Bài 1: Viêm Đường Hô Hấp Dưới Ở Trẻ Em Và Cách Mẹ Nhận Biết

Bài 2: Bé Bị Viêm Phế Quản Thở Khò Khè Mẹ Phải Làm Sao?

Bài 3: Biểu Hiện Viêm Phổi Ở Trẻ Sơ Sinh Mẹ Có Thể Nhận Biết Sớm

Bài 4: Bệnh Viêm Tiểu Phế Quản Ở Trẻ Sơ Sinh Và 3 Nguyên Tắc Mẹ Cần Biết

Bài 5: Trẻ Sơ Sinh Thở Khò Khè Như Có Đờm Là Dấu Hiệu Bệnh Gì?

Bài 6: 5 Bí Quyết Trị Khò Khè Cho Trẻ Sơ Sinh Mẹ Cần Bỏ Túi Ngay

Viêm Phế Quản

hoi dap viem duong ho hap duoi o tre

Hỏi: Con mình 6 tháng tuổi bị ho rồi chuyển qua khò khè. Đi khám bác sĩ cho kháng sinh uống bớt rồi, cứ 2 tháng là bị tái lại. Mình cũng chưng cách thủy lá húng chanh, đường phèn, trái quất mà ko bớt. Uống nhiều kháng sinh thì sợ không tốt cho bé. Có phải bé bị viêm phế quản mãn tính không? Có cách nào điều trị không?

Đáp: Bé bị viêm phế quản tái đi tái lại có thể chuyển thành viêm phế quản mãn tính. Để điều trị, đầu tiên mẹ chú ý giữ ấm cơ thể cho bé khi thời tiết chuyển mùa. Trời lạnh nên cho con mặc ấm kết hợp uống nhiều nước. Hai là, bài thuốc húng chanh chưng đường phèn mẹ kiên trì cho con uống ấm 3 lần/ngày. Cho đến khi bệnh hết hẳn. Ba là, nâng cao sức đề kháng cho con thông qua chế độ dinh dưỡng, massage,… Bên cạnh đó, mẹ nên đưa con đi khám xem con có bị suyễn không nhé.

Hỏi:  Bắp nhà mình bị viêm phế quản phổi, 1 tháng 1 lần. Giờ 4,5 tháng mà mới tiêm được 1 mũi lao. Bố Bắp cứ cản không cho mình bồng con đi tiêm cho dù đến lịch ngày tiêm con đỡ rồi. Tư vấn giúp mình con vừa mới dứt viêm phế quản tiêm ngừa được không ạ?

Đáp: Con không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, ăn uống và thở được tốt thì tiêm bình thường mẹ nhé! Con 4,5 tháng mới chỉ hoàn thành 1 mũi lao, chưa tiêm mũi vắc xin 5in1 nào là chậm nhiều mũi. Con lại có tiền sử hay ốm thế thì nguy cơ bị nhiễm các bệnh khác sẽ cao. Do đó, mẹ nên tiêm vắc xin 5in1 càng sớm càng tốt. Đặc biệt là vắc xin phế cầu, mẹ nên tiêm sớm cho con. Vacxin này có thể tiêm cho trẻ từ đủ 2 tháng tuổi, giúp bảo vệ đường hô hấp của con tốt hơn. 

hoi dap viem duong ho hap duoi o tre

Hỏi: Bé nhà em được 23 tháng nặng 12kg. Dạo này bé nhà em bị ho và sổ mũi nhiều quá. Cho đi khám thì bác sĩ nói bé bị viêm phế quản, uống thuốc 3 ngày nhưng chưa bớt. Có bài thuốc dân gian nào trị được bệnh này không ạ? Thấy con uống thuốc hoài em xót quá! :((

Đáp: Viêm phế quản do virus gây ra thường tự khỏi trong 7-10 ngày. Tuy nhiên triệu chứng ho có thể kéo dài đến 14 ngày làm mẹ sốt ruột. Điều mẹ cần làm lúc này là bình tĩnh chăm sóc con và theo dõi tiến triển bệnh. Sổ mũi mẹ chịu khó hút mũi/rửa mũi sạch cho con ngày 3 lần. Các bài thuốc dân gian trị ho, mẹ tham khảo Tại Đây. Mẹ chăm sóc kỹ lưỡng sẽ giúp con không bị biến chứng sang viêm phổi nguy hiểm. 

Viêm Phổi

Hỏi: Cháu của em mới chào đời bé có biểu hiện khó thở. Sau sinh 7 ngày được về nhà thì tình trạng bé nặng và sốt nên gia đình đưa bé đi nhập viện. Bác sĩ chẩn đoán là viêm phổi và được chuyển lên tuyến tỉnh. Chữa được hơn 2 tuần thì sức khỏe ổn nên được cho về. Sau 1 tuần lại số́t cao nhập viện. Đến nay cháu vẫn cứ khó thở, vào mỗi sáng là bé thở khó khăn nhất, nghe như tiếng ngáy luôn. Em có đọc tài liệu bảo là viêm phổi tái đi tái lại mà không được chữa trị dứt điểm thì sẽ xảy ra rất nhiều biến chứng. Vậy bây giờ gia đình có nên cho cháu nhập viện nữa không hay làm gì khác ạ? Bé vừa mới tròn 3 tháng tuổi.

Đáp: Trường hợp này gia đình nên đưa bé đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa Nhi. Để xác định là viêm phổi, viêm phế quản hay tiểu phế quản? Nhập viện hay không, điều trị cho bé thế nào gia đình nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, bé hay bệnh về đường hô hấp, mẹ chú ý giữ môi trường sạch sẽ, không khói bụi. Nhà ở nên có không khí trong lành. Trời lạnh giữ ấm, trời nóng mặc đồ mát để tránh đổ mồ hôi. Và đặc biệt là giữ con tránh xa khói thuốc lá mẹ nhé.

Hỏi: Con mình ho, đi khám thì bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi. Nhưng con không sốt, không khò khè thì có nặng lắm không?

Đáp: Sốt và khò khè không phải là yếu tố đánh giá bệnh viêm phổi nặng hay không mẹ à. Các dấu hiệu cho thấy trẻ bị viêm phổi nặng là khó thở, thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực. Trẻ rối loạn tri giác như ngủ li bì, lừ đừ, không tỉnh táo, bỏ ăn bỏ bú. Có những dấu hiệu trên mẹ ngay lập tức đưa con đi viện cấp cứu ngay nhé!

hoi dap viem duong ho hap duoi o tre

Hỏi: Con mình được 16 tháng, vừa xuất viện sau 2 tuần điều trị. Vừa về đến nhà con đã có hiện tượng tái viêm phổi: khò khè, húng hắng ho. Nhìn con ho mà xót cả ruột gan. Mình phải chăm sóc thế nào để con không bị tái viêm phổi?

Đáp: Chăm sóc bé mẹ giữ gìn để con ko bị lạnh, không ra mồ hôi lưng (rồi ngấm vào phổi). Con có dấu hiệu sổ mũi thì phải can thiệp ngay. Mẹ nhỏ nhiều nước muối sinh lý vào mũi rồi hút sạch dịch mũi hoặc rửa mũi. Vì nếu không làm sạch nước mũi sẽ chảy xuống gây ho, viêm phế quản, biến chứng sang viêm phổi. Nếu con sốt nên đưa con đi khám ngay, hỏi bác sĩ có cần chụp X-quang. Mẹ tránh để trẻ sốt cao nhiều ngày mới kiểm tra thì phát hiện con đã viêm phổi nặng. 

Kết Luận

Các bệnh viêm đường hô hấp dưới thường diễn biến bất ngờ, có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Nếu trẻ không may nhiễm bệnh, mẹ chú ý chăm sóc chu đáo để con nhanh lành bệnh nhé. Và mẹ cũng cần biết khi nào có thể chăm sóc bệnh của con ở nhà. Khi nào thì cần đưa con nhập viện để tránh gặp nguy hiểm. 

Do đó, việc tìm hiểu kiến thức về bệnh và làm thế nào để chăm sóc con đúng cách là rất quan trọng. Mẹ hãy đọc kỹ các bài viết mình đã chia sẻ trong series về bệnh đường hô hấp dưới. 6 bài viết với đường link cụ thể mình để phía trên bài. Sẽ giúp mẹ bỏ túi được nhiều kinh nghiệm hữu ích để chăm sóc và phòng bệnh hiệu quả cho con đó mẹ. Chúc các bé yêu luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn ^^

Đôi Chút Về Phạm Thuần

Tốt nghiệp Huấn luyện viên sức khỏe toàn diện (Holistic Health Coach) tại Viện Dinh Dưỡng Quốc Tế – Institute for Intergrative Nutrition (IIN) uy tín hàng đầu Hoa Kỳ. Trên 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền. Giảng Viên - Đại diện Hiệp hội Massage Sơ sinh Quốc tế IAIM tại Việt Nam. Công việc chính của tôi là Nhà đào tạo, Khai vấn, Blogger, Viết sách, và tham gia hoạt động xã hội.

Mục tiêu và Sứ Mệnh của Tôi là Xây dựng Mẹ Việt trở thành Nguồn tài nguyên trực tuyến hữu ích cho ba mẹ. Là người bạn đồng hành thân thiết cùng ba mẹ trên hành trình nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Chăm sóc gia đình khỏe mạnh.

Vì những em bé hạnh phúc – Vì những gia đình Việt đầy ắp tiếng cười!

(Đọc Thêm Câu Chuyện Của Tôi)

Trang Chủ Meviet
Xem Tất Cả Bài Viết Của Tác Giả