Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên gặp táo bón khiến các mẹ rất đau đầu. Bé bị táo bón nhưng mỗi bé lại có tình trạng khác nhau. Mặc dù mẹ đã thử nhiều cách nhưng tình trạng này vẫn tái diễn nhiều lần. Bài viết này mình tổng hợp những câu hỏi thực tế các mẹ gửi về cho blog Meviet.vn. Và giải đáp trực tiếp để các mẹ cùng có kinh nghiệm biết cách chữa trẻ bị táo bón nhé.
Hỏi: Con em mới sinh được 3 tuần tuổi. Nhưng 3 ngày rồi bé chưa đi ngoài (chỉ dính một ít phân ở mông). Bé vặn mình và hay đánh rắm mùi rất thối, cho em hỏi có phải bé bị táo bón và cách điều trị thế nào? Bé bú sữa mẹ hoàn toàn từ lúc sinh ra đến giờ ạ.
Đáp: Mẹ xem bé có các dấu hiệu như biếng bú, quấy khóc, chướng bụng không. Nếu bé vẫn bú bình thường, vui vẻ, ngủ ngon giấc thì mẹ có thể yên tâm. Bé hấp thụ chất dinh dưỡng trong sữa tốt nên ít có nhu cầu đi ngoài thôi. Bé nhỏ có biểu hiện vặn mình và đánh rắm mùi thối là bình thường, chưa hẳn do táo bón.
Trường hợp bé quấy khóc, khó đi ngoài thì mẹ điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng. Cụ thể: ăn đồ mát, uống nhiều nước, canh, hạn chế các món dầu mỡ, chiên rán, cay nóng,… Mẹ cho bé bú mẹ tích cực để con bú nhiều sữa. Xoa bụng bé theo chiều kim đồng hồ ngày 2-3 lần kết hợp bài tập đạp xe đạp cho bé. Thực hiện đều đặn 3-4 ngày con sẽ dễ đi ngoài.
Táo bón là tình trạng rất hay xảy ra và lặp đi lặp lại ở trẻ. Cách chữa trẻ bị táo bón không hề khó nếu mẹ biết cách. Mình đã chia sẻ các thông tin mẹ cần biết về táo bón của trẻ trong series dưới đây. Các mẹ tham khảo để hiểu rõ và áp dụng khi cần thiết nhé!
Bài 1: Nguyên Nhân Và Dấu Hiệu Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón
Bài 2: Trẻ Sơ Sinh Bị Táo Bón Lâu Ngày Thì Phải Làm Sao
Bài 3: Trẻ Bị Táo Bón Nên Ăn Gì Cho Nhanh Khỏi
Bài 4: Mách Mẹ Những Dòng Sữa Nào Giúp Trẻ Không Bị Táo Bón
Hỏi: Bé mình gần 6 tháng bú mẹ hoàn toàn nhưng 8 ngày nay không đi ị. Con có ăn sữa chua nhưng không đỡ. Có nên bơm đít hay cho con uống thêm nước cam không?
Đáp: Bé 6 tháng mà 8 ngày không đi ị thì hơi lâu. Nếu mẹ đang cho bé tập ăn dặm thì tạm thời nên ngưng lại. Tích cực cho bú mẹ + massage + xi cho con ị. Nếu con khó đi quá có thể tước phần ngọn cọng mồng tơi ngoáy nhẹ cho con. Nếu con vẫn chưa đi thì sử dụng thụt bơm đít cho con đi. Tuy nhiên, mẹ hạn chế dùng cách này. Bé gần 6 tháng thì chưa nên ăn sữa chua vì dạ dày của con chưa tiêu hóa được. Mẹ nên đợi con đủ 6 tháng trở lên mới cho ăn sữa chua nhé.
Hỏi: Bé em 20 ngày rồi, bú mẹ hoàn toàn. Đêm ngủ bé cứ rặn ị mà bé vừa mới đi ị xong trước khi ngủ. Đêm đang ngủ mà rặn đỏ cả mặt thì phải làm sao ạ?
Đáp: Mẹ chú ý quan sát trong lần ị tiếp theo phân con có bị bón không. Nếu con bị bón thì mẹ massage xoa bụng con theo chiều kim đồng hồ, tập đạp xe đạp. Những cách này giúp đường ruột con làm việc hiệu quả, nhanh đi ị, phân mềm dễ đi.
Nếu phân vàng sệt hay hoa cà hoa cải thì rặn đỏ cả mặt không phải do bé bị bón. Mà có thể do bé bị nóng, bé đói, đùa giỡn quá trước khi ngủ nên khó ngủ. 20 ngày tuổi mẹ cũng bắt đầu cho con uống D3 đi nhé. Tầm này bé hay vặn mình như vậy là bình thường. Nếu mẹ vẫn còn thắc mắc hãy nhắn tin trực tiếp lên group Mẹ Việt mình hỗ trợ nhé.
Hỏi: Bé nhà em mới 2 tháng, mà cứ cách 1 ngày có khi 2 ngày mới ị 1 lần. Mà phân thì vàng, hơi sệt. Bé bú sữa mẹ kèm sữa meiji. Như vậy có phải là bé bị táo bón không? Cách chữa trẻ bị táo bón như thế nào?
Đáp: Bé 2 tháng xuất hiện hiện tượng giãn ruột nên nhiều ngày không đi ị là bình thường. Với bé bú mẹ kèm sữa công thức thì phân vàng sệt là chuẩn. Số ngày con đi ị không quyết định con có bón hay không mà là hình dạng, màu sắc phân của con. Như bé là không bị táo bón nên mẹ yên tâm cho bé bú bình thường nhé!
Hỏi: Bé nhà mình mới 5 ngày tuổi, bé uống sữa công thức có bú thêm sữa mẹ nhưng rất ít ạ. Bé đi phân hơi khô chứ không phải là bón. 1 ngày đi cũng nhiều lần và mình muốn bổ sung men biogaia cho bé không biết có được không? Hay phải đổi sữa ạ?
Đáp: Thứ nhất, phân của bé hiện tại chỉ mới hơi khô nhưng khả năng có thể dẫn đến táo bón. Mẹ tiến hành massage bụng cho bé ngày 2 lần với 2 động tác: xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và đạp xe đạp. Theo dõi tình trạng phân của bé đều đặn hàng ngày.
Thứ hai, bé chỉ mới dùng sữa ngoài vài ngày, chưa kết luận được là do hợp sữa hay không. Do đó, mẹ khoan vội đổi sữa. Ít nhất cho bé dùng 1-2 lon nếu xuất hiện táo bón nhiều thì mới nên đổi sữa.
Thứ ba, men biogaia có thể bổ sung cho bé từ sơ sinh. Mẹ có thể cho con uống để hỗ trợ tiêu hóa tốt.
Thứ tư, bé còn quá nhỏ nếu dùng sữa ngoài sớm rất dễ bị táo bón. Trong khi đó, bé bú mẹ hầu như rất ít xảy ra táo bón. Nếu mẹ đang gặp khó khăn với nguồn sữa mẹ, đừng vội vàng từ bỏ sữa mẹ. Hãy nhắn tin ngay cho mình nhé! Mình sẽ chia sẻ cho mẹ cách kích sữa hiệu quả, giúp sữa về nhanh, về nhiều cho con bú. Hãy thử mọi cách để cho con được hưởng dòng sữa mẹ ấm nóng với vô vàn lợi ích mẹ nha!
Mẹ có thể tham khảo thêm những bài này:
Cho Trẻ Sơ Sinh Bú Đúng Cách – Tuyệt Chiêu Để Sữa Mẹ Tràn Trề
Hỏi: Con em bú sữa mẹ tới 1 tuổi, 2 hôm nay em có dặm thêm sữa công thức calokid thì phân bé có màu trắng xám. Bé đi ngày 1 lần cấu trúc phân bình thường ạ. Vậy có làm sao không ạ? Mình có cho bé tiếp tục sử dụng sữa đó được không ạ?
Đáp: Bé mới dặm thêm sữa công thức sẽ cần thời gian để thích nghi. Do đó phân của bé có màu trắng xám cũng là hiện tượng bình thường. Mẹ lưu ý pha sữa đúng hướng dẫn cả về lượng bột và nhiệt độ nước nhé! Đánh tơi sữa lên rồi gạt ngang, đừng pha đặc con khó hấp thụ dinh dưỡng và bị táo đấy. Mẹ có thể tiếp tục sử dụng sữa đó thêm một thời gian và theo dõi tình trạng đi ngoài của con. Nếu phân của bé vẫn không thay đổi sau vài tuần – 1 tháng thì nên đổi sữa.
Hỏi: Bé nhà mình gần 8 tháng, giai đoạn mình cho bé ăn cháo với rau thì bé ị phân mềm. Từ lúc dặm các loại thịt vào thì bé bị táo, ị phân dê. Mình nên điều chỉnh thế nào để bé ị phân mềm trở lại được?
Đáp: Bé bị táo có thể do chế độ ăn quá nhiều đạm. Thực ra giai đoạn bé 8 tháng tuổi ăn dặm chỉ là phụ, bữa chính vẫn là sữa. Nên mẹ không phải lo con thiếu chất. Khẩu phần ăn dặm của bé mẹ giảm lượng đạm xuống, cho bé ăn thêm rau và trái cây. Bữa phụ có thể cho ăn thêm 1 hộp sữa chua. Và nhớ cho bé uống nhiều nước nữa nhé!
Hỏi: Bé nhà mình 4 tuổi bị táo bón từ nhỏ, 5-7 ngày mới đi ngoài 1 lần. Phân to và từng hòn từng hòn xếp vào nhau. Mình đã cho con đi khám. Đã uống vài loại men nhưng không đỡ. Bữa cơm của cháu có nhiều rau xanh. Thường xuyên cho cháu uống nước. Nhưng tình trạng không cải thiện là bao. Mách giúp em cách chữa trẻ bị táo bón với ạ?
Đáp: Men chỉ hỗ trợ cho bé được trong một thời gian chứ không thể sử dụng suốt được. Về lâu dài để con dứt điểm táo bón mẹ chú ý điều chỉnh chế độ dinh dưỡng nhé. Bữa ăn của con có nhiều rau xanh là tốt. Con táo bón thì ưu tiên các loại rau có chất nhớt: mồng tơi, rau đay, khoai mỡ, rau lang,… Các loại trái cây có tác dụng nhuận trường tốt như: chuối, đu đủ chín, thanh long, táo,… Cắt giảm bớt lượng đạm và tinh bột (nếu nhiều) và duy trì cho trẻ uống nhiều nước. Tăng cường cho trẻ vận động, vui chơi chạy nhảy cũng giúp nhanh tạm biệt táo bón. Ba mẹ cũng nên tập thói quen cho con đi ị vào một giờ nhất định nhé! Có thể là buổi sáng, sau khi ăn 30 phút,…
Hỏi: Con em được 14 tháng, tầm 12 tháng con bắt đầu có biểu hiện táo bón. Em có cho cháu đi khám và được kê duphalac và men bổ sung cho con cùng chế độ ăn. Nhưng khi ngừng thuốc con lại táo. Hôm qua em cho lên nhi Trung ương khám, bác sĩ lại kê duphalac và men và một loại bổ sung vitamin và em đang cho con uống. Mấy hôm nay con không ăn cháo nữa chỉ vài thìa và cơm cũng không ăn ạ. Bây giờ em đang hoang mang quá không biết phải làm sao để con hết táo?
Đáp: Trước mắt, mẹ nên tiếp tục cho bé uống theo hướng dẫn của bác sĩ. Mẹ chịu khó đổi món cho con có cảm giác ngon miệng nhé. Mẹ nên chế biến các món loãng, húp nước cho con dễ tiêu, chia khẩu phần thành các bữa nhỏ. Về lâu dài, cách chữa trẻ bị táo bón hiệu quả nhất là điều chỉnh dần chế độ ăn của con. Tăng cường cho con ăn các loại thực phẩm giúp chữa táo bón (như trên). Kết hợp cho con ăn thêm 1-2 hộp sữa chua/ngày. Xoa bụng cho con theo chiều kim đồng hồ kết hợp bài tập đạp xe đạp. Mẹ thực hiện đều đặn hàng ngày con sẽ dần hết táo bón.
Hỏi: Bé nhà mình 22 tháng bị táo bón 3 ngày mới đi 1 lần, lần nào cũng chảy máu. Có cách gì giúp con hết bón chứ mỗi lần đi vệ sinh con khóc mà thương quá! :((
Đáp: Bé đi ngoài ra máu nếu để lâu sẽ nguy hiểm, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con. Trước mắt, mẹ nên đưa con đi khám để điều trị dứt điểm tình trạng này. Sau đó, mẹ điều chỉnh chế độ ăn lành mạnh, bổ sung 1-2 hộp sữa chua/ngày. Và quan trọng không kém là cho con tích cực vận động. Nếu con không chịu ăn rau mẹ hãy thử nhiều cách: xay nhuyễn, xắt nhỏ, tạo hình trang trí,… Tăng cường cho con ăn trái cây, nên cắt hết bim bim, bánh kẹo, ít nhất là giai đoạn này. Vì các món ấy sẽ làm con không chịu ăn rau và trái cây.
Hỏi: Con mình 29m, cả tháng nay bón chảy máu (nứt hậu môn), nên mình có cho uống duphalac 5ml mỗi ngày, vẫn bón, 3 ngày đi 1 lần dù đã uống 700ml nước, không tính canh, sữa và thêm trái cây. Tuần nay mình tăng liều 10ml duphalac thì 2 ngày đi 1 lần nhưng phân không thành khuôn mà sệt hướng hơi lỏng, bầy nhầy. Vậy con có vấn đề gì ko ạ?
Đáp: Con đi phân sệt và hướng hơi lỏng là dấu hiệu tốt. Mẹ tăng cường cho con ăn rau và trái cây có tính nhuận trường. Có thể tiếp tục duy trì liều Duphalac 10ml cho đến khi thấy phân thành khuôn hay sệt ổn định. Sau đó thì giảm liều dần xuống 5ml/ngày đến lúc con đi đều đặn thì dừng hẳn thuốc. Nhưng hạn chế sử dụng thuốc nhiều mẹ nhé. Mẹ rà soát lại xem nguyên nhân con bị táo bón là gì để điều chỉnh hợp lý.
Các mẹ biết đấy, các biện pháp uống thuốc, bơm thụt hậu môn cho con chỉ là giải quyết vấn đề phần ngọn. Con vẫn sẽ tiếp tục bị táo bón sau một thời gian ngưng các biện pháp này. Cách chữa trẻ bị táo bón hiệu quả lâu dài, mẹ cần chú ý điều chỉnh chế độ ăn uống cho con. Cho con ăn nhiều rau xanh, trái cây, bổ sung sữa chua, uống đủ nước và tích cực vận động. Đó là những cách đơn giản nhưng hiệu quả về lâu dài và rất tốt cho sức khỏe của con. Vì vậy, mẹ hãy thay đổi dinh dưỡng hợp lý hơn để giúp con có một đường ruột khỏe mạnh. Và giữ táo bón tránh xa khỏi bé yêu của mẹ nhé!